Sen không chỉ mang lại vẻ đẹp thuần khiết, bình yên ở chốn làng quê, mà còn là nguồn thu nhập khá cho nhiều hộ gia đình. Trong đó, ngó sen là bộ phận được các hộ chuyên trồng sen thu hoạch quanh năm.
Hiếm có loại cây trồng nào mà tất cả các bộ phận đều có thể mang lại nguồn thu cho người trồng như sen, từ thân sen, đến hoa, đài, ngó, củ và thậm chí cả lá sen cũng có thể thu hoạch, chế biến mang lại giá trị kinh tế cho người nông dân.
Huyện Tân Thạnh (Long An) là một trong những địa phương thuộc vùng Đồng Tháp Mười, có địa hình vùng đất trũng, ngập nước khó canh tác lúa, vì vậy, ngoài trồng lúa chất lượng cao, người dân nơi đây lấy nghề trồng sen lấy ngó và gương để duy trì kinh tế nông nghiệp cho vùng đất trũng ngập quanh năm.
Anh Bùi Thanh Hoài (ấp Hải Hưng, xã Tân Lập) có kinh nghiệm hơn 10 năm trồng sen lấy ngó, cho biết, trồng sen trên diện tích 1ha tốn khoảng 30 triệu đồng chi phí cho phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nhân công... Gia đình anh trồng 2ha sen, vị chi vốn liếng bỏ ra khoảng 60 triệu đồng, mà cứ cách ngày lại có thu hoạch từ 150-200kg ngó sen. "Sau khi trừ chi phí cũng lãi từ 60-80 triệu đồng cho mỗi vụ", anh hào hứng khoe với chúng tôi.
Toàn huyện Tân Thạnh hiện có hơn 652ha canh tác sen, tập trung chủ yếu ở các xã: Nhơn Hòa, Tân Lập, Tân Bình, Kiến Bình. Bà con nông dân nơi đây kể, trồng sen tuy vất vả, ngày ngày gần như phải trầm mình dưới đầm để lấy ngó, lấy củ, nhưng bù lại có nguồn thu kha khá để trang trải cuộc sống gia đình. Tính ra lợi nhuận còn cao gấp 2-3 lần so với trồng lúa trên cùng diện tích vùng đất phèn, trũng này.
Sen trồng hơn 3 tháng là lấy được ngó và thời gian lấy ngó kéo dài cho đến vài năm, tuỳ thuộc vào nguồn nước, thời tiết và kỹ thuật chăm sóc. Ngoài ra, người trồng sen có thể tận dụng ao sen nuôi cá nước ngọt, thu hái bông sen, gương sen… bán để tăng thêm thu nhập.